Nhận xét Kim_Dữ_lan_đào

Đây là cảnh thứ nhất trong mười thắng cảnh xứ Hà Tiên, và cũng là đề tài mở đầu mà Mạc Thiên Tứ đã chọn cho thi phái Chiêu Anh Các ngâm vịnh. Thi sĩ Đông Hồ giải thích:

Tác giả lấy ngay cảnh này làm cảnh mở đầu, bởi vị trí Kim Dữ là địa điểm trọng yếu ở ngay giữa cảng Hà Tiên, ngó ra vịnh Xiêm La. Hình thể nó ví như cửa thành thiên nhiên, chống đỡ ngoại xâm và che chở nội địa. Tác giả đã khéo mượn vị trí núi để so sánh với nhiệm vụ, với địa vị của mình là một vị tướng lãnh trọng yếu trấn giữ biên cương; mượn lời vịnh cảnh mà thác gởi chí khí tâm sự mình rất nhiều trong đó.

Đối với hai bài thơ trên, thi sĩ có lời bình, trích:

Bài Hán thi là bài nguyên xướng, bao nhiêu thi liệu, bao nhiêu từ ngữ về biển khơi về sóng gió tác giả đều dành hết cho bài này. Làm thơ Hán, sẵn thi liệu, sẵn điển cố, sẵn thành ngữ cho nên lời thơ dễ lưu loát, dễ phong phú. Vậy mà bài thơ Nôm họa lại, ý tứ vẫn chu đáo lời thơ vẫn thanh thoát. Tác giả đã tìm được vần chốt then rất đắc địa. Vần then vừa để họa vần tiên của bài Hán thi, mà lại nói đúng được hình thế vị trí tác dụng của cảnh đảo Kim Dữ. Hai câu đầu: ý nói đất này không phải là đất chiếm đoạt. Họ Mạc đến đây trấn giữ chính là hành động thuận theo ý Trời và ứng với lòng người.Câu ba và bốn: nói về công nghiệp ngăn ngừa chống đỡ ngoại địch và che chở bảo vệ cho dân cư đất nước.Câu năm và sáu: ý nói đối với biển Bắc (chỉ nước Trung Quốc) thì giữ được thế lực chắc chắn vững vàng; còn đối với Trời Nam (chỉ chúa Nguyễn) thì dựng được công lao to lớn.Cây bảy và tám: ý nói sau khi giữ gìn lãnh thổ trong ngoài đều được yên lành, trên dưới đều được no ấm, rồi thì đem chánh lịnh mà cai trị, lấy nhân nghĩa mà ban bố cho khắp chốn xa gần đều được nhờ, ví như dòng nước lai láng chứ chan tràn ngập khắp các sông lạch. Ngoài ra, Mạc Thiên Tứ đặt chữ Kim ở đầu đề có một dụng ý văn hoa mà tự hào. Bởi sẵn có chữ Kim thành thang trì, là thành vàng ao sôi, ý nói về thành trì kiên cố, hào lũy vững vàng[6].